Hơn bảy thập niên phát triển, từ chỗ chỉ có 19 nhân viên, 1 y sỹ, 30 giường bệnh, đến đầu năm 2021 bệnh viện đã có 10 phòng chức năng, 6 khoa cận lâm sàng, 26 khoa lâm sàng. Đội ngũ 671 cán bộ, nhân viên đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Trong đó có 262 đại học, 91 thạc sỹ và chuyên khoa I; 22 bác sỹ, dược sỹ, chuyên khoa II. Số giường bệnh sử dụng thực tế đạt trên 1.000. Trong năm 2020, bệnh viện khám trên 200.000 lượt người; điều trị nội trú trên 51.000 lượt người, đạt 103%; điều trị ngoại trú đạt 142%; thực hiện gần 9.000 ca phẫu thuật, giảm đáng kể số bệnh nhân chuyển tuyến, chỉ có 33 trường hợp không qua khỏi.
Dẫn số liệu dưới đây để so sánh: Thống kê hộ tịch từ 1928 đến 1931 cho biết dân số Tuyên Quang tăng trưởng âm (cả tỉnh có 5.025 trẻ được sinh, nhưng có 5. 286 trẻ và người lớn tử vong). Chất lượng chuyên môn y tế đạt những bước tiến bộ lớn. Với trình độ chuyên môn giỏi và tấm lòng tận tuỵ vì người bệnh, đã giành được giờ vàng trong nhiều ca cấp cứu, điều trị, làm giảm tối đa tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ để lại di chứng nặng. Cùng với xét nghiệm thường qui, các khoa cận lâm sàng phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, chụp X quang kỹ thuật số, nội soi dạ dày, trực tràng, xét nghiệm giải phẫu bệnh tế bào, xét nghiệm huyết học, xét nghiệm vi sinh, hoá sinh và 18 dịch vụ kỹ thuật mới và khó như chụp, nong và đặt stent động mạch vành, phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối, tạo hình và đổ xi măng cột sống, nội soi xẻ lỗ niệu quản lấy sỏi, phẫu thuật bảo tồn tử cung do vỡ tử cung, phẫu thuật cắt lọc vết mổ, khâu lại tử cung sau mổ lấy thai, chọc tháo dịch ổ bụng điều trị...
Một ca can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Hoa
Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện cơ bản đáp ứng yêu cầu của lâm sàng trong cấp cứu, chẩn đoán, tiên lượng và điều trị. Thực hiện kết nối khám, điều trị với 10 bệnh viện tuyến trên như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi, Ung bướu…. Bệnh viện đã mời bác sỹ tuyến trên thực hiện những ca phẫu thuật, khó phức làm giảm gánh nặng cho người bệnh không phải chuyển tuyến, đồng thời cử nhiều cán bộ đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên. Tiến hành đào tạo, hỗ trợ chuyển giao các gói kỹ thuật theo đề án 1861 cho 15 cán bộ y tế các huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương, Kim Xuyên.
Thực hiện chấm điểm bệnh viện an toàn chống dịch covid-19 và các bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp theo quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện A Tuyên Quang đạt bệnh viện an toàn với 132 điểm, bằng 88%. Trong tất cả các khâu, các bước khám, điều trị đều được qui định chặt chẽ. Tại mỗi buồng điều trị của bệnh viện đều có biển ghi rõ tên tên bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý chịu trách nhiệm bằng tiếng Việt và tiếng Anh và qui chế 5 S: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng. Phòng công tác xã hội làm tốt công tác tư vấn giúp người bệnh ổn định tinh thần không bi quan, tin vào trình độ chuyên môn và sự tận tâm của đội ngũ nhân viên y tế; tổng hợp phiếu thăm dò ý kiến đóng góp của người bệnh báo cáo lãnh đạo để đưa ra biện pháp sửa khuyết điểm, khắc phục thiếu sót; phối hợp với các tổ chức đoàn thể khám bệnh miễn phí cho thương binh, gia đình liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam anh hùng; vận động các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm ủng hộ và tổ chức các chương trình hỗ trợ bệnh nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 440 triệu đồng.
Đánh giá toàn diện, trong năm Bệnh viện A Tuyên Quang đạt 3,4 điểm trên thang 5 điểm của bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam theo quyết định của bộ Y tế. Hiện tại ở nước ta chưa có bệnh viện đạt thang điểm 5. Năm 2021, bệnh viện thực hiện tự chủ về tài chính.
Theo Giám đốc bệnh viện, bác sỹ Phạm Quang Thanh, thực hiện tự chủ, bên cạnh những thuận lợi, bệnh viện cũng gặp không ít khó khăn như một số trang thiết bị thế hệ cũ, lạc hậu; một số máy móc chuyên khoa hiện đại đang còn phải đi mượn; cơ sở hạ tầng còn thiếu, phần xuống cấp, phần quá tải. Để hiện thực hoá đề án tự chủ thì trước hết là chăm lo xây dựng nguồn nhân lực trên cả hai mặt chuyên môn và y đức. Đa dạng phương thức đào tạo gồm đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo ngắn hạn nhằm làm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nắm được những phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Hỗ trợ học phí với các mức: chuyên khoa II là 2 triệu, thạc sỹ là 1,8 triệu, bác sỹ là 1,5 triệu; hỗ trợ chuyên gia đầu ngành từ 4 đến 5 triệu. Đồng thời, tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, thân ái; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đưa đề tài đã nghiệm thu vào ứng dụng thực tiễn; duy trì hội thảo khoa học, sinh hoạt nghiệp vụ, bình bệnh án; tổ chức tập huấn, tiến tới về quản lý bệnh viện theo tiêu chuẩn ISO.9001- 2015 là tiêu chuẩn quốc tế hiện đại nhất. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, thực hiện tốt 12 điều qui định về y đức và qui chế chuyên môn hướng tới sự hài lòng của người dân, có nghĩa là cả thân nhân người bệnh cũng hài lòng.
Bác sỹ chuyên khoa II Ngô Quang Chiến, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Ảnh: Minh Hoa
Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng người bệnh, chú trọng đầu tư trang thiết bị tiến tiến hiện đại. Chỉ có như vậy mới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Thầy thuốc giỏi, tâm huyết và trang thiết bị y tế hiện đại quan hệ chặt chẽ, thúc đẩy, tạo điều kiện cùng tiến bộ. Có thiết bị tối tân thì phải cần người giỏi vận hành. Hiệu quả điều trị cao và sự hết lòng của thầy thuốc là động lực thu hút người bệnh đến khám, điều trị, tạo nguồn kinh phí mua sắm mới thiết bị kỹ thuật cao, tạo điều kiện nâng cao thu nhập đội ngũ cán bộ y tế. Đó cũng nhằm thu hút người có chuyên môn giỏi gắn bó với bệnh viện, không dời đi nơi khác...
Vừa qua, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang với mục tiêu bảo đảm cơ sở vật chất của Bệnh viện đa khoa hạng I cấp tỉnh, đáp ứng tốt việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong và ngoài tỉnh, đồng thời góp phần giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương. Quy mô đầu tư: 1.000 giường bệnh; diện tích quy hoạch xây dựng khoảng 15ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,2 nghìn tỷ đồng.
Một tin vui ngay những ngày đầu năm mới và tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề nghị của tỉnh về việc hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương để tỉnh đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ, tạo tiền đề quan trọng để Bệnh viện A Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống, trở thành cánh chim đầu đàn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Gửi phản hồi
In bài viết